Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Hội thảo về Tham nhũng, chất lượng thể chế và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Sáng 21/3/2016, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tham nhũng, chất lượng thể chế và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Bằng chứng kinh tế lượng từ Việt Nam”.


Đây là nội dung nghiên cứu của đề tài nhóm A cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QG 15.40 do TS. Trần Quang Tuyến làm chủ nhiệm. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được công bố ở Tạp chí Estudios de Economia, của Đại học Quốc gia Chi Lê (tháng 12/2016). Đây là tạp chí quốc tế uy tín, trong cơ sở dữ liệu ISI (SSCI) và trong danh sách 342 tạp chí trong danh mục Economics của Thomson Reuter. Buổi hội thảo có sự tham dự của các giảng viên trong và ngoài khoa, nghiên cứu sinh và học viên cao học. TS. Trần Quang Tuyến đã báo cáo các nội dung chính của buổi hội thảo. Tham nhũng là hiện tượng phổ biến ở các nước đang phát triển cũng như ở Việt Nam. Có nhiều lý thuyết lý giải tác động của tham nhũng tới hiệu quả doanh nghiệp. Lý thuyết nguồn lực cho rằng tham nhũng làm sai lệch sự phân bổ hiệu quả nguồn lực, sói mòn danh tiếng của công ty, làm cản trở hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ của công ty và do vậy có tác động tiêu cực tới xã hội nói chung và việc cải tiến năng suất của công ty nói riêng. Lý thuyết về “đi tìm đặc lợi” lại cho rằng các công ty hối lộ cơ quan nhà nước lại có hiệu quả tốt hơn bởi trong bối cảnh thủ tục hành chính cứng nhắc, việc hối lộ sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, tận dụng được cơ hội kinh doanh tốt hơn và do vậy tham nhũng là có lợi cho doanh nghiệp. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy tham nhũng có tác động tiêu cực tới hiệu quả công ty ở Châu Âu, tác động tích cực ở Đông Á, và không có tác động ở một số quốc gia khác. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tham nhũng, cần kiểm soát chất lượng môi trường thể chế. Các nghiên cứu trước đây về tham nhũng thường bỏ qua tính nội sinh của tham nhũng. Hơn nữa, phần lớn cac nghiên cứu trước đó thường dung biến tham nhũng thường được đo bằng biến giả (có và không hối lộ) và do vậy không đo lường được tác động của mức độ tham nhũng tới hiệu quả doanh nghiệp. Nghiên cứu của TS. Trần Quang Tuyến và cộng sự đã sử dụng bộ dữ liệu điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 2005-2011, kết hợp với dữ liệu điểu tra về PCI từ 2005-2011. Nhóm tác giả đã sử dụng các biện pháp ước lượng khác nhau, đặc biệt là phương pháp biến công cụ với dữ liệu bảng để khắc phục tính nội sinh của tham nhũng, đảm bảo kết quả nghiên cứu chính xác và tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ tham nhũng (% tham nhũng so với doanh thu) có tác động nhỏ và tiêu cực tới hiệu quả của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các biến thể chết như hỗ trợ khu vực tư nhân có tác động tích cực, thời gian giải quyết thủ tục có tác động âm, và đào tạo lao động không có tác động. Các phát hiện nghiên cứu có hàm ý chính sách quan trọng qua việc giảm thiểu tham nhũng và nâng cao chất lượng thể chế để hỗ trợ khu vực tư nhân ở Việt Nam. Tại hội thảo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra và cùng thảo luận như các loại hình tham nhũng tác động ra sao, tác động ròng của tham nhũng (lợi ích và chi phí cho doanh nghiệp). Với những trao đổi tích cực và hiệu quả, buổi hội thảo khoa học đã thành công tốt đẹp. 


Trần Quang Tuyến (Khoa KTCT)